Ổ cứng SSD là nơi lưu trữ dữ liệu chính của máy tính PC hay laptop. Chúng ta thường đề cập đến việc thay hoặc nâng cấp SSD khi máy chạy chậm. Vậy bản chất ổ SSD là gì? Liệu SSD có liên quan đến tốc độ hoạt động của máy tính hay không? Cùng chúng tôi tìm hiểu nhé!
Nội dung chính
Tìm hiểu về ổ cứng SSD
Ổ cứng SSD (tên đầy đủ: Solid State Drive) là thiết bị lưu trữ dữ liệu lâu dài của máy tính trên bộ nhớ flash ở trạng thái rắn.
Ổ cứng SSD khá nhỏ gọn, kích thước vừa lòng bàn tay và có hình chữ nhật dẹt. Thành phần chính cấu tạo nên SSD gồm 4 bộ phận: chip nhớ (dạng chip NAND); bộ điều khiển, cổng kết nối và bọc bên ngoài là vỏ bảo vệ.
Những chip nhớ làm nhiệm vụ lưu trữ dữ liệu theo lệnh của bộ điều khiển. Đây là hai bộ phận quyết định tốc độ và dung lượng lưu trữ của SSD. Bên cạnh đó, cổng kết nối giúp ổ SSD kết nối trực tiếp với máy tính hay laptop hoặc qua dây dẫn. Vỏ bảo vệ có tác dụng đóng gói các bộ phận bên trong, chống nước, chống nhiệt và chống va đập.
Nhìn chung ổ cứng SSD có tốc độ lưu trữ nhanh hơn ổ HDD khá nhiều. Thông thường tốc độ của HDD trung bình chỉ 100MB/s thì ổ SSD có thể đạt đến 3500MB/s. Khi ta so sánh cùng dung lượng, ổ SSD cho tốc độ đọc tốt hơn gấp đôi ổ HDD. Do vậy mà giá SSD cũng cao hơn rất nhiều so với HDD.
Cách ổ cứng SSD hoạt động
Ưu điểm của ổ cứng SSD là có khả năng lưu trữ dữ liệu lâu dài và không bị mất dữ liệu khi máy tính mất năng lượng đột ngột. SSD sử dụng một tấm chứa các ô điện nhằm gửi và nhận dữ liệu nhanh chóng. Trong những tấm ô điện là các “trang” nhỏ – nơi lưu trữ dữ liệu. Với tính năng chỉ ghi dữ liệu lên một trang trống trong một khối, người dùng sẽ không thể ghi đè dữ liệu trực tiếp trên ổ cứng SSD.
Trước khi xóa dữ liệu, SSD sẽ đánh dấu chúng là dữ liệu không sử dụng, chuyển tất cả vào một khối riêng lẻ. Sau đó ổ cứng SSD tiến hành loại bỏ toàn bộ khối chứa dữ liệu cần xóa đó.
Ưu nhược điểm của ổ SSD
SSD được đánh giá là ổ cứng lưu trữ vượt trội nhất hiện nay với nhiều ưu điểm lớn so với HDD như tốc độ hay khả năng lưu trữ. Nhưng không vì thế mà ổ cứng SSD không có điểm lép vế so với HDD. Chúng tôi sẽ so sánh giúp bạn để biết xem sử dụng SSD hay HDD có lợi hơn cho bạn nhé.
Lợi ích khi sử dụng ổ SSD so với HDD
Ổ cứng SSD có tốc độ đọc, ghi và xuất dữ liệu hơn hẳn HDD. Với công nghệ hiện nay, SSD có thể đạt tốc độ hàng ngàn MB/s và sẽ tiếp tục tăng, trong khi HDD đang bị giới hạn tại 120MB/s. Do đó các thao tác trên máy tính như khởi động máy, chạy phần mềm cũng mượt và nhanh hơn. Bạn cũng không lo về tình trạng full disk như khi sử dụng ổ HDD.
Với thiết kế là ổ cứng với vỏ bảo vệ, SSD bền hơn , khả năng chống sốc tốt, hoạt động ổn định, giảm thiểu tỷ lệ hư hỏng cả phần cứng lẫn phần mềm, giúp dữ liệu lưu trữ an toàn hơn. SSD khi hoạt động không gây ra tiếng ồn, tiết kiệm điện và ít tỏa nhiệt hơn so với HDD.
Nhược điểm của ổ cứng SSD so với HDD
Chính vì những đặc điểm vượt trội như trên mà giá thành ổ cứng SSD thường cao hơn 2 – 10 lần so với ổ HDD cùng dung lượng.
Vì tính năng chỉ ghi dữ liệu lên trang trống nên mỗi lần ghi hoặc xóa dữ liệu thì ổ SSD sẽ cần thêm điện áp để hoạt động, lâu dần dẫn đến khả năng không thể ghi dữ liệu mới. Tuy nhiên độ bền của SSD khá lâu nên bạn không cần quá lo lắng về vấn đề này.
Cụ thể so sánh giữa hai loại ổ lưu trữ bạn xem qua bảng dưới đây:
Yếu tố | SSD | HDD |
Tốc độ đọc/ ghi | Nhanh (hiện tại cao nhất có thể lên đến 3500MB/s) | Chậm (trung bình dưới 100MB/s) |
Tiếng ồn | Không hoặc ít tạo ra tiếng ồn | Tiếng ồn có thể nghe rõ vì sử dụng cơ chế cơ học để lưu trữ dữ liệu |
Độ bền | SSD có độ bền cao hơn hẳn; chống chịu va đập, nhiệt độ, độ ẩm tốt hơn | HDD có độ bền thấp hơn và dễ chịu tác động của ngoại lực như rơi vỡ, va đập |
Nhiệt độ | Có thể chịu được nhiệt độ từ 0 -70 độ C | Có thể chịu được nhiệt độ từ 5 – 55 độ C |
Sự phân mảnh | Không làm ảnh hưởng đến tốc độ đọc/ ghi | Ảnh hưởng đến tốc độ đọc/ ghi |
Giá thành | Giá thành cao hơn khi cùng dung lượng lưu trữ với HDD | Giá thành thấp hơn khi cùng dung lượng trữ với SSD |
Xem thêm: Hướng dẫn cứu dữ liệu ổ cứng SSD bị mất đơn giản
Làm sao để biết máy tính sử dụng ổ SSD hay HDD?
Phân loại chuẩn ổ cứng SSD hiện có
Hiện trên thị trường có 4 loại ổ cứng SSD thông dụng là SSD 2.5 SATA, SSD mSATA, SSD M2 SATA và SSD M2 PCIe. Dưới đây là bảng so sánh nhanh về 4 loại SSD này:
Tên ổ SSD | Chuẩn giao tiếp | Tốc độ đọc/ghi | Ưu điểm nổi bật |
SSD 2.5 SATA | SATA | SATA III tốc độ 550 MB/s | Dễ nâng cấp từ ổ HDD có sẵn |
SSD mSATA | mSATA | SATA III tốc độ 550 MB/s | Cổng giao tiếp nhỏ gọn |
SSD M2 SATA | M2 SATA | SATA III tốc độ 550 MB/s | Mỏng, phù hợp với laptop mỏng nhẹ |
SSD M2 PCIe | M2 SATA | PCle tốc độ 3500MB/s | Tốc độ đọc/ghi vượt trội |
Chuẩn SSD 2.5 SATA
Ổ cứng SSD 2.5 SATA có kích thước khoảng 2.5 inch tương đương đa số kích thước ổ HDD hiện nay nên phù hợp khi người dùng muốn nâng cấp ổ cứng từ ổ HDD hiện hữu. Bên cạnh đó có hai bản ít phổ biến hơn là 3.5 inch và 1.8 inch.
Chuẩn SSD mSATA
mSATA là viết tắt của mini SATA. Do vậy bản chất của SSD mSATA tương tự như SSD 2.5 SATA nhưng sử dụng cổng giao tiếp nhỏ hơn
Chuẩn SSD M2 SATA
Dòng ổ cứng SSD M2 SATA hiện rất được ưa chuộng trong lưu trữ dữ liệu laptop bởi thiết kế mỏng nhẹ, gọn gàng và sử dụng chuẩn giao tiếp M2 SATA hiện đại. Loại SSD phổ biến nhất của SSD M2 SATA là SSD M2 2280.
Chuẩn SSD M2 PCIe
Khác hẳn với ba dòng trên, SSD M2 PCle có tốc độ đọc tối đa hiện nay là 3500MB/s, tương đương 6 lần các chuẩn SATA thông thường.
Lưu ý khi chọn mua ổ SSD
- Dung lượng lưu trữ dữ liệu: Phụ thuộc vào máy tính của bạn cần bao nhiêu dung lượng lưu trữ để hoạt động tốt. Nếu máy tính của bạn sử dụng các phần mềm nặng để edit, thiết kế, sản xuất hay chơi game thì bạn cần ổ SSD cao hơn mức tối thiểu khá nhiều.
- SSD để gắn trong hay ngoài: SSD gắn trong là thiết bị bắt buộc ở hầu hết dòng máy tính, laptop hiện tại. Trong trường hợp bạn có nhu cầu sử dụng lớn hơn có thể mua ổ cứng SSD gắn ngoài.
- Chuẩn kết nối tương thích: Bạn cần biết được máy tính của bạn sử dụng chuẩn kết nối SSD là gì để tìm mua dòng SSD phù hợp
- Độ bền bỉ và tốc độ ghi: Phụ thuộc vào dòng SSD, năm sản xuất, hãng sản xuất, dung lượng lưu trữ,…
Những rủi ro trong khi sử dụng ổ cứng SSD
Tuy ổ cứng SSD được xem là tối ưu trong việc lưu trữ dữ liệu phổ thông hiện nay nhưng trong quá trình sử dụng, rủi ro là điều không thể tránh khỏi. Bạn cần lưu ý những điều sau khi sử dụng để nhận diện lỗi ổ SSD tiềm ẩn:
- Ổ SSD có cấu trúc với hệ thống ghi dữ liệu duy nhất nên việc trích xuất dữ liệu khá khó khăn và mất thời gian. Do vậy việc khôi phục dữ liệu đã mất trong ổ SSD không phải là điều dễ dàng.
- Số chu trình ghi của chip bộ nhớ SSD khá hạn chế khiến bạn có nguy cơ mất vĩnh viễn dữ liệu không thể khôi phục.
- Bạn không thể truy cập dữ liệu nếu ít nhất một trong các bộ phận của SSD như chip nhớ, bộ điều khiển,.. bị hư hỏng.
- Việc chống phân mảnh với ổ cứng SSD có thể khiến SSD bị hỏng nhanh hơn
- Sử dụng hệ điều hành quá cũ như Win 98, Win XP,… dễ khiến ổ SSD gặp trục trặc do không tương thích.
Trên đây là tổng hợp những thông tin bạn nên biết về ổ cứng SSD – công cụ lưu trữ dữ liệu máy tính phổ biến nhất hiện nay. Nếu bạn có thắc mắc hay gặp vấn đề với ổ SSD của mình, hãy liên hệ ngay tới Bách Khoa Data Recovery để được hỗ trợ tận tình nhé!